Làm gì để tránh sốc nhiệt?

Không ra ngoài trời từ 11 - 15h

BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Một trong những bệnh hay gặp nhất trong những ngày nắng nóng đó là sốc nhiệt mà dân gian hay gọi là say nắng.
 

Biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu do nhiệt, và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước. Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.

“Các triệu chứng khác có thể bao gồm: Đau nhói đầu; chóng mặt và choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và nôn; nhịp tim (mạch) nhanh, tim (mạch) có thể đập mạnh hoặc yếu; thở nhanh và thở nông; thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt; co giật; hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong”, BS Lương Quốc Chính nói.

Để phòng bệnh, BS Lương Quốc Chính khuyến cáo, người dân nên tránh hoạt động như: tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng, hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời nhất là vào thời điểm 11 - 15h. Thay vào đó, người dân nên thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, hoặc vào buổi sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.

Khi ra đường hoặc hoạt động ngoài trời, cần trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng như đội mũ rộng vành, đội nón, mặc quần áo nhẹ, rộng, thoáng mát, áo chống nắng, đeo khẩu trang... Bên cạnh đó, cần ăn nhiều rau xanh và các loại quả có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, dưa hấu... Đặc biệt cần uống đủ nước hàng ngày (2 - 3 lít nước mỗi ngày).

Khi người bệnh có dấu hiệu choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...). Theo dõi, nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN - PTI