Dấu hiệu nhận biết say nắng và biện pháp phòng tránh

Say nắng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Dấu hiệu nhận biết

Một đặc điểm chung để nhận biết say nắng đó là nó dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, nhiệt độ thường trên 41oC. Khi thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể) tăng sẽ dẫn đến tăng quá trình đào thải mồ hôi để giải phóng bớt nhiệt lượng, điều này làm cơ thể mất đi một lượng nước lớn, nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả: giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố khác có thể bị ảnh hưởng khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, gây rối loạn hoạt động chức năng của nhiều cơ quan trọng yếu như: tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Bệnh nhân say nắng thường có dấu hiệu: da nóng lúc đầu lấp xấp mồ hôi sau đó khô, mặt đỏ, toàn thân mệt lả, đau đầu nặng, cảm giác khó ở, đôi khi kèm theo nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng khác nặng hơn có thể xảy ra như: giảm khả năng đánh giá đối với mọi việc xung quanh, cử chỉ kỳ cục, gặp ảo giác, thay đổi ý thức, nhận thức lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Các biểu hiện khi bị say nắng có thể thay đổi tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian tiếp xúc với nắng của mỗi người. Có thể bắt đầu từ những biểu hiện nhẹ ban đầu, từ từ tiến triển tăng dần, cuối cùng có thể hôn mê, trụy tim mạch thậm chí tử vong. Say nắng có diễn biến nhanh, thường kèm theo các biểu hiện rối loạn thần kinh. Say nắng có thể gây biến chứng não nguy hiểm, liệt, méo miệng, nói ngọng, mất khả năng học và nhớ...

Biện pháp phòng tránh

  • Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
  • Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
  • Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
  • Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
  • Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
  • Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
  • Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
 
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN - PTI