6 việc nên làm trước khi mua bảo hiểm nhà ở

Người mua tìm hiểu kỹ sản phẩm, mức phí, công ty, hợp đồng, chiết khấu… để có quyền lợi tốt nhất khi mua bảo hiểm nhà tư nhân, nhà ở.

Theo Luật Nhà ở 2014, Nhà nước khuyến khích các chủ sở hữu mua bảo hiểm nhà ở. Đối với nhà ở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thì chủ sở hữu nhà ở này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty Luật PST, với nhiều kinh nghiệm tư vấn, bào chữa các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, chia sẻ 6 bước cơ bản nên làm trước khi quyết định mua bảo hiểm nhà tư nhân phù hợp.

Lựa chọn sản phẩm bảo hiểm

Tùy theo nhu cầu và ngân sách của mình, người mua chọn bảo hiểm cho toàn bộ ngôi nhà hay một phần ngôi nhà cũng như các quyền lợi bảo hiểm mở rộng phù hợp khác. Người mua nên lựa chọn dịch vụ bảo hiểm nhà ở tùy vào nơi ở và nguy cơ rủi ro có thể xảy ra như địa hình thường xảy ra lũ lụt, động đất, hoặc nhà nằm trong khu chợ, ngõ nhỏ dễ cản trở xe phòng cháy chữa cháy... Mỗi sản phẩm dịch vụ, hình thức đăng ký khác nhau có mức phí đóng bảo hiểm khác nhau.

Tìm hiểu mức phí bảo hiểm

Người mua nên cân nhắc việc mua bảo hiểm một phần hay toàn bộ tài sản, theo giá trị thực hay bồi thường một phần chi phí, đồng thời xem xét cả mức không được bồi thường để đóng phí hợp lý.

Ngoài việc mua bảo hiểm căn nhà, người mua bảo hiểm còn có thể mua bảo hiểm cho cả tài sản trong ngôi nhà như các vật dụng trang trí nội thất, vật dụng cá nhân đắt tiền. Khi đó, người mua cần kiểm kê đầy đủ tài sản trong nhà nhằm tránh trường hợp công ty bảo hiểm không trả đầy đủ các tài sản đã được bảo hiểm.

Thông thường, phí bảo hiểm được căn cứ vào giá trị xây dựng của ngôi nhà và tuổi thọ của ngôi nhà. Mức phí sẽ dao động từ 0,1% đến 0,2% trên tổng giá trị tài sản bảo hiểm và phí được đóng theo khoảng thời gian có thể là 2 năm cho đến trên 5 năm tùy theo người mua lựa chọn.

Tìm hiểu và so sánh nhiều báo giá bảo hiểm nhà ở

Người tham gia bảo hiểm nhà nên tìm hiểu cùng lúc nhiều báo giá, tỷ lệ khiếu nại, bồi thường từ ít nhất 3 công ty bảo hiểm khác nhau. Nguồn thông tin có thể từ bạn bè, người thân, hoặc chính đơn vị cung cấp bảo hiểm.

Người mua cũng nên kiểm tra mức khấu trừ và số tiền bảo hiểm có đúng như trong các báo giá hay không. Mức khấu trừ là số tiền người mua phải trả trước khi nhà cung cấp bảo hiểm gửi yêu cầu. Mức khấu trừ càng thấp, phí bảo hiểm sẽ càng cao.

Xem xét các khoản chiết khấu nếu có

Khi mua kết hợp bảo hiểm nhà ở với một sản phẩm bảo hiểm tài sản có giá trị khác như giấy tờ có giá, hoặc thanh toán hợp đồng bảo hiểm trước cả năm, thanh toán online...khách hàng có thể được chiết khấu phần trăm theo chính sách của công ty bảo hiểm.

Một số trường hợp được chiết khấu, giảm mức phí bảo hiểm, như ngôi nhà được bảo hiểm là mới xây, có lắp đặt các thiết bị báo cháy, chống cháy, người trong nhà không có thói quen hút thuốc... tùy quy định của từng công ty cung cấp bảo hiểm.

Chọn công ty bảo hiểm uy tín

Để đảm bảo nhận được giá trị bồi thường tốt nhất, người mua cần nghiên cứu mức độ tin cậy của nhà cung cấp bảo hiểm. Tuy nhiên, giữa danh sách lên đến hàng chục thương hiệu khác nhau, để biết được công ty bảo hiểm nào uy tín nhất, minh bạch và chuyên nghiệp lại không phải là chuyện dễ dàng. Người mua có thể tìm chọn công ty qua kênh bạn bè, internet, ngân hàng...

Công ty bảo hiểm đáng tin cậy cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, quyền lợi ưu việt nhất so với cùng sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác trên thị trường, công ty bảo hiểm được xếp hạng mức độ uy tín cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, có lịch sử phát triển tốt...

Kiểm tra thông tin trước khi ký hợp đồng

Sau khi chọn gói bảo hiểm phù hợp, người mua cần đảm bảo tất cả thông tin của mình là chính xác trước khi ký hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực khi thông tin kê khai thiếu trung thực và không đầy đủ.

Người tham gia bảo hiểm/người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, nếu không phải có văn bản ủy quyền cho người khác theo quy định pháp luật. Trường hợp không có văn bản ủy quyền, người tham gia không thể nhận được quyền lợi nếu xảy ra rủi ro.

(Theo vnexpress.net)